Cháo sườn được nấu bằng nồi cơm điện không chỉ giúp hạt cháo nở đều, thịt sườn mềm và chứa nhiều dinh dưỡng có lợi mà còn giúp tiết kiệm thời gian đáng kể hơn so với cách nấu truyền thống. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn 4 bước nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện cực dễ dàng, giúp gia đình có bữa ăn ngon miệng.
1. Hướng dẫn nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện luôn ngon
Món cháo sườn giàu dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện khẩu vị bữa ăn của gia đình bạn. Dưới đây là hướng dẫn nấu cháo sườn áp dụng cho cả nồi cơm điện cơ lẫn nồi cơm điện tử nhanh và hiệu quả giúp việc vào bếp của bạn trở nên dễ dàng hơn.
1.1. Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Trước khi bắt tay vào nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cần thiết. Dưới đây là hướng dẫn chuẩn bị nguyên liệu nấu món cháo sườn với thành thẩm là 8 - 10 bát cháo cho 3 - 4 người lớn ăn:
Gạo tẻ: 300g
Sườn non: 400g
Hạt sen: 100g (Có thể có hoặc không tùy vào sở thích ăn uống)
Đậu xanh: 100g (Có thể có hoặc không tùy vào sở thích ăn uống)
Hành khô: 2 củ
Hành lá, rau thơm, tía tô: 1 ít
Dầu ăn: 1 muỗng canh
Muối: 2 thìa cà phê
Tiêu: ½ thìa cà phê
Các nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện
Các nguyên liệu để làm món cháo sườn tương đối dễ tìm nhưng cần lưu ý một vài điều sau đây khi lựa chọn nguyên liệu để món cháo sườn được thơm ngon:
Cách chọn sườn: Chọn sườn non có màu hồng tươi sáng, thịt giữ được độ căng mịn tốt, nên chọn phần sườn có cả phần nạc và mỡ giúp cháo mềm và béo hơn.
Cách chọn hạt sen: Với hạt sen tươi, bạn nên chọn căng tròn, trắng mịn, bên trong vẫn còn đài sen. Đối với hạt sen khô, bạn cần chọn hạt có màu trắng ngà, đã được loại bỏ tim sen. Loại hạt sen này sẽ có độ dinh dưỡng cao và ăn không bị sượng.
Cách chọn đậu xanh: Nên mua loại đậu xanh được cà vỏ sẵn, hạt có màu vàng đẹp mắt, không bị sâu mọt hay có mùi hôi lạ.
1.2. Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, tiến hành sơ chế theo hướng dẫn sau đây để các nguyên liệu được đảm bảo tươi ngon, giúp thành phẩm cháo sườn trở nên hấp dẫn hơn.
1.2.1. Sườn heo
Rửa sườn: Rửa bằng nước muối pha loãng trong khoảng 5 phút, sau đó xả sạch bằng nước để ráo. Để khử mùi và làm sạch sườn, bạn có thể bóp sườn non với muối trong khoảng 2 - 3 phút sau khi rửa sạch và sau đó rửa lại bằng nước.
- Chần sườn: Đun 1 lít nước trong nồi, thêm nửa quả chanh và 2 muỗng muối. Ở bước này, bạn có thể sử dụng nồi cơm điện hoặc nồi bình thường đều được. Khi nước sôi, đặt sườn vào nồi, chần trong 3 phút và vớt bỏ bọt bẩn. Sau đó, rửa lại sườn với nước để loại bỏ chất bẩn, giúp thịt sườn trắng và thơm hơn.
Sơ chế sườn với 4 bước cực đơn giản
1.2.2. Gạo
Vo gạo: Gạo tẻ khi mua ở chợ về cần nhặt sạn và những hạt xấu ra khỏi gạo. Cho gạo vào tô và vo sạch trong nước lạnh từ 2 đến 3 lần, đến khi gạo sạch. Đặt gạo vào một chậu nhỏ và ngâm gạo trong nước lạnh. Bạn không nên vo và ngâm gạo trực tiếp trong lõi nồi cơm để tránh làm hỏng lớp chống dính của nồi.
Ngâm gạo: Ngâm gạo trong nước khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ để làm mềm hạt gạo. Sau khi ngâm gạo xong, đổ gạo ra rổ để ráo nước.
Rang hoặc xay gạo: Để rang gạo, làm nóng chảo và rang gạo với lửa nhỏ để tránh gạo bị cháy. Rang gạo cho đến khi có mùi thơm, sau đó tắt bếp và để gạo nguội. Bạn cũng có thể tiết kiệm thời gian bằng cách đặt gạo vào cối và giã dập, hoặc sử dụng máy xay để xay nhỏ hạt gạo. Rang gạo hoặc xay gạo có thể làm cho cháo trở nên thơm ngon và có độ sánh hơn khi ăn.
Các bước sơ chế gạo để nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện
1.2.3. Hạt sen
Hạt sen tươi: Tách vỏ và nhị sen ra khỏi hạt, sau đó rửa sạch để tránh làm hạt sen bị đắng.
Hạt sen khô: Ngâm hạt sen trong nước khoảng 1 - 2 tiếng để hạt sen được nở đều. Sau đó, bạn luộc sơ hạt sen với nước khoảng 10 phút để hạt nhanh nhóng mềm hơn.
Các bước sơ chế hạt sen để nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện
1.2.4. Đậu xanh
Chọn lọc đậu xanh: Đậu xanh khi mua về nên được rửa sạch bằng nước để loại bỏ những hạt bị lép hoặc hạt bị hư hỏng hay mốc.
- Ngâm đậu xanh: Đậu xanh cần được ngâm trong nước khoảng 3 - 4 tiếng. Việc này giúp đậu xanh nở đều và nhanh mềm khi nấu, làm cho món cháo sườn thơm ngon và giàu dinh dưỡng hơn.
Ngâm đậu xanh từ 3 - 4 tiếng giúp hạt đậu nở đều, nhanh mềm, làm món cháo sườn thêm thơm ngon
1.3. Bước 3: Chế biến cháo sườn với 3 cách
Cháo sườn có thể được nấu bằng 3 cách: Ninh chung sườn với cháo cùng lúc, ninh sườn riêng bằng nồi cơm điện và chế biến sườn riêng bằng chảo. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết các cách nấu để tạo ra một bát cháo sườn thơm, mềm và ngon miệng cho cả gia đình.
1.3.1. Cách 1: Ninh chung sườn và cháo cùng 1 lúc
Ninh chung sườn và cháo cùng lúc là cách nấu tiết kiệm thời gian cho người nấu. Cách nấu này phù hợp với những người bận rộn nhưng vẫn đảm bảo được bữa ăn dinh dưỡng cho gia đình.
Bước 1: Cho sườn, hạt sen, đậu xanh và gạo vào nồi cơm điện.
Bước 2: Cho nước và gạo vào nồi cùng lúc với tỉ lệ 3 nước 1 gạo (có thể tùy vào lượng gạo và dung tích nồi để điều chỉnh lượng nước phù hợp). Bạn có thể sử dụng nước luộc hạt sen trước đó để nấu cháo, giúp bổ sung thêm dinh dưỡng cho món cháo sườn.
Bước 3: Trước khi nấu, thêm 1 thìa dầu ăn vào nồi để ngăn cháo bị trào trong quá trình nấu.
Bước 4: Đậy nắp và bật chế độ nấu, tùy theo loại nồi cơm điện bạn đang sử dụng:
- Đối với nồi cơm điện tử: Bấm "Tính năng/Function" và chọn chế độ nấu cháo thích hợp. Mỗi loại nồi sẽ có cấu tạo và ký hiệu trên bảng điều khiển khác nhau. Nồi cơm điện tử thường có 2 chế độ nấu khác nhau là nấu Cháo nguyên hạt (Porridge) và Cháo nhừ (Congee):
- Cháo Nguyên Hạt (Porridge): Chế độ này giúp cháo mềm, mịn, nhưng vẫn giữ được hình dáng nguyên hạt gạo. Cháo được nấu chính trong khoảng 1 giờ, tùy thuộc vào loại nồi cơm điện và số lượng nguyên liệu để có thể điều chỉnh thời gian từ 45 phút đến 1 giờ 15 phút.
- Cháo Nhừ (Congee): Chế độ này giúp chất cháo mịn, nhừ và sánh hơn. Hạt gạo không còn nguyên hình dáng nhưng có độ dẻo cao hơn, tương tự như bột trẻ em. Thời gian nấu khoảng 1 giờ 30 phút, tuy nhiên có thể điều chỉnh trong khoảng 1 giờ đến 4 giờ để cháo có độ mềm mịn và độ sánh như mong muốn.
- Đối với nồi cơm điện cơ: Gạt cần gạt xuống chế độ Nấu/Cook.
Bước 5:
Sau khoảng 30 phút, khi nước trong nồi đã sôi, hãy mở nắp nồi ra và sử dụng muỗng để vớt bọt trên mặt cháo. Thao tác này giúp làm sạch cháo, loại bỏ bọt, và đảm bảo cháo được nấu chín đều.
Khuấy đều cho các nguyên liệu được hòa quyện và đậy nắp lại.
Tiếp tục nấu cho đến khi nồi cơm chuyển sang chế độ "Ủ ấm/Warm" để cháo luôn giữ được độ ấm vừa phải.
Bước 6: Để cháo trong nồi khoảng 1 - 1,5 giờ để đảm bảo cháo, sườn, hạt sen, và đậu xanh chín nhừ. Trong quá trình này:
Với nồi cơm điện tử: Bạn sẽ không cần phải kiểm tra và canh giờ bởi vì nồi cơm điện tử đã được tích hợp công nghệ cảm biến nhiệt thông minh giúp tự điều chỉnh nhiệt độ và thời gian nấu.
Với nồi cơm điện cơ: Cứ cách khoảng 20 - 30 phút, bạn nên mở nắp nồi và sử dụng muỗng để khuấy đều cháo. Nồi cơm điện cơ không có chức năng điều chỉnh nhiệt độ tự động như nồi cơm điện tử, thao tác này giúp cháo chín đều và không bị bén nồi.
Bước 7: Sau khi đã nấu chín cháo sườn bằng nồi cơm điện, hãy cho vào nồi 2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh hạt nêm, và 1 muỗng canh đường. Hãy nêm nếm lại theo khẩu vị của bạn để đảm bảo cháo vừa ăn là đã hoàn thành bát cháo sườn đậm đà, ngon miệng.
Nêm nếm gia vị theo khẩu vị để hoàn thiện món cháo sườn.
Nhìn chung, nấu cháo bằng cách ninh sườn chung với cháo cùng lúc sẽ giúp tiết kiệm thời gian nhưng vẫn có một bát cháo thơm, thịt sườn mềm và ngon miệng. Tuy nhiên, nếu sử dụng nồi cơm điện cơ thì bạn cần kiểm tra thường xuyên, tránh cho cháo bị bén nồi.
1.3.2. Cách 2: Ninh sườn riêng bằng nồi cơm điện trước khi nấu cháo
Nấu cháo sườn bằng cách ninh sườn riêng bằng nồi cơm điện trước khi nấu cháo phù hợp cho những ai muốn sườn được nấu mềm nhưng hạt cháo không bị quá nhừ. Đồng thời cách nấu này cũng làm cho phần nước cháo thêm ngọt và sánh hơn.
Bước 1: Cho sườn vào nồi cơm điện (không cho gạo và các nguyên liệu khác), thêm nước ngập sườn để hầm nhừ sườn.
Bước 2: Đóng nắp nồi lại và bật chế độ nấu theo cách sau:
Với nồi cơm điện tử: Chọn chế độ nấu cơm thông thường hoặc chế độ Hầm (nếu có). Công nghệ cảm biến nhiệt thông minh của nồi cơm điện tử sẽ giúp sườn được nhừ, mềm thịt, chín đều và ngọt nước.
Với nồi cơm điện cơ: Gạt cần gạt xuống chế độ nấu/Cook.
Bước 3: Sau khoảng 30 phút, khi nước trong nồi đã sôi, hãy mở nắp nồi ra và thực hiện các thao tác sau:
Sử dụng muỗng để vớt bọt trên mặt nước nếu có.
Khuấy đều lớp nước và sườn trong nồi, rồi đậy nắp lại.
Nấu đến khi nồi cơm chuyển qua chế độ "Ủ ấm/Warm" trong khoảng 15 - 20 phút.
Bước 4: Cho gạo và các nguyên liệu khác vào nồi cơm điện. Cho thêm một thìa dầu ăn vào nồi giúp làm giảm lượng bọt và cháo không bị trào khi nấu.
Bước 5: Thực hiện thao tác nấu cháo với nồi cơm điện tương tự như cách trên.
Bước 6: Cho thêm vào nồi 2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh hạt nêm, và 1 muỗng canh đường. Sau đó, nêm nếm lại theo khẩu vị của gia đình bạn để đảm bảo cháo sườn vừa ăn và ngon miệng.
Cách nấu cháo này sẽ giúp sườn được nấu mềm, thơm ngon trước khi kết hợp với cháo. Tuy nhiên, cách làm này sẽ tốn thời gian và cần kiểm tra sườn thường xuyên để giúp sườn có độ mềm vừa phải, không bị quá nát.
1.3.3. Cách 3: Chế biến sườn riêng bằng chảo
Nấu cháo sườn bằng cách sử dụng chảo để chế biến sườn riêng sẽ giúp cho phần nước dùng và sườn có hương vị đậm đà đặc trưng. Đây là cách nấu phù hợp cho những ai muốn sườn có mùi vị riêng biệt và hợp với khẩu vị cá nhân.
Bước 1: Ninh sườn: Để bắt đầu chế biến sườn, bạn có hai cách lựa chọn ninh sườn bằng nồi cơm điện như cách 2 hoặc ninh sườn bằng nồi truyền thống trên bếp như cách nấu 1.
Bước 2: Sơ chế thịt sườn và hành phi:
Vớt sườn đã ninh thêm ra khỏi nước dùng rồi tách thịt sườn ra khỏi xương. Bạn có thể để thịt cả miếng hoặc băm thành miếng nhỏ tùy theo sở thích.
Phi thơm hành khô cùng một chút dầu ăn, nước mắm và gia vị vừa đủ để làm tăng hương vị cho món cháo sườn.
Thêm hành khô phi vàng vào cháo giúp bát cháo sườn thêm thơm ngon hơn.
Bước 3: Cho phần thịt sụn hoặc xương từ việc ninh sườn vào nồi cơm điện, sau đó tiến hành nấu cháo bằng cách:
Thêm gạo và các nguyên liệu đã được sơ chế vào nồi.
Sử dụng nước ninh sườn có sẵn để nấu cháo giúp tạo ra một hương vị thơm ngon và ngọt hơn cho cháo
Bước 4: Thêm vào nồi một thìa dầu ăn để giúp ngăn cháo trào khi nước bắt đầu sôi.
Bước 5: Bật chế độ nấu tương tự như cách 1, tuỳ theo loại nồi bạn đang sử dụng. Thời gian nấu này thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ, để cháo, hạt sen, và đậu xanh chín nhừ trong nồi giúp cháo trở nên mềm mịn và ngon hơn.
Bước 6: Cho cháo đã nấu chính ra tô hoặc bát. Thêm phần thịt sườn đã xào lên trên cùng của tô cháo để giúp món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
Cách nấu cháo sườn này giúp nước dùng ngọt thơm, thịt sườn mềm và đậm đà, tạo nên sự hấp dẫn và kích thích vị giác của người ăn. Tuy nhiên, cách nấu cháo này sẽ tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự cầu kỳ trong việc xử lý thịt sườn sao cho mềm và đậm đà.
Xem thêm: Cách nấu cháo gạo lứt bằng nồi cơm điện dễ dàng cho chị em nội trợ
1.4. Bước 4: Thưởng thức
Sau khi nồi báo hiệu cháo chín, bạn nên kiểm tra cháo xem đã đạt đúng độ đặc/loãng như bạn mong muốn chưa, nêm nếm đã vừa miệng chưa. Bạn cho thêm một chút hành, mùi tàu và hạt tiêu để tô cháo thêm thơm ngon.
Cuối cùng, bạn hãy trộn đều và thưởng thức món ăn thật ngon miệng. Thịt sườn đã được chín mềm, tan ngay trong miệng, giữ được độ ngọt tự nhiên và hương vị đậm đà. Hạt gạo nở đều, tạo ra chất cháo mịn màng và hòa quyện với các nguyên liệu khác.
Món cháo có mùi thơm đặc trưng của thịt sườn, hành phi và được nêm nếm vừa vặn, giúp tăng khẩu vị cho gia đình của bạn. Nếu muốn, bạn có thể thêm vài chiếc quẩy giòn hoặc rắc một chút ớt bột để làm tăng hương vị.
Tô cháo sườn thành phẩm có độ ngon ngọt tự nhiên từ thịt sườn và giàu dinh dưỡng cho gia đình.
2. 3 ưu điểm khi nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện
Nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện giúp thịt sườn mềm, cháo sánh mịn, tạo nên tô cháo đầy đủ dưỡng chất. Đây cũng là cách nấu phù hợp cho bất cứ ai có đam mê nấu ăn nhưng không có nhiều thời gian để chuẩn bị món ăn theo cách truyền thống.
2.1. Sườn nhừ, chín mềm hơn
Nấu cháo sườn có thể gặp nhiều khó khăn như sườn không chín đều, bị dai hoặc bị hôi nếu không được xử lý đúng cách. Khi đó, nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện, đặc biệt là nồi cơm điện tử giúp duy trì nhiệt độ và áp suất ổn định, giúp cháo và sườn nấu chín đều và mềm mịn.
Cháo sườn nấu bằng nồi cơm điện giúp sườn mềm và thơm hơn.
2.2. Thao tác đơn giản, không cần để ý liên tục
Sử dụng nồi cơm điện để nấu cháo sườn sẽ giúp việc nấu ăn của bạn trở nên đơn giản mà không đòi hỏi phải đứng bếp liên tục. Bạn có thể lựa chọn cách nấu sườn riêng hoặc chung với cháo, cả hai cách này đều dễ dàng thực hiện:
Khi nấu sườn chung với cháo: Nếu sử dụng nồi cơm điện tử của SUNHOUSE, bạn có chọn chế độ nấu cháo phù hợp như Cháo nguyên hạt (Porridge) hoặc Cháo nhừ (Congee). Đối với nồi cơm cơ, bạn chỉ cần bấm nút nấu/Cook.
Khi hầm sườn riêng: Chế độ Hầm không phổ biến trên nhiều loại nồi cơm điện tử, nên bạn có thể chọn chế độ Nấu thông thường. Nhờ công nghệ cảm biến nhiệt thông minh, nồi cơm điện tử đảm bảo chất lượng sườn mà không phải canh chừng liên tục.
Nồi cơm điện SUNHOUSE sở hữu bảng điều khiển rõ ràng giúp dễ dàng thao tác.
2.3. Thời gian nấu nhanh hơn
Thông thường, khi nấu cháo sườn bằng nồi truyền thống, bạn cần ninh sườn trong khoảng 1.5 giờ - 2 giờ để sườn được mềm và nhừ, sau đó mất thêm khoảng 2 - 3 giờ để nấu cháo.
Tuy nhiên, khi nấu cháo bằng nồi cơm điện, bạn chỉ cần chần sườn, ninh cùng gạo và các nguyên liệu khác cùng lúc, thời gian nấu chỉ khoảng 1.5 giờ - 2 giờ. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian gấp đôi so với cách nấu truyền thống.
Khi sử dụng nồi cơm điện để nấu cháo, bạn cần lưu ý một số nhược điểm dưới đây, nhất là đối với ai sử dụng nồi điện cơ:
Khả năng bị trào nước: Nếu không đong nước một cách cẩn thận, nồi cơm điện cơ có thể trào nước ra ngoài, gây mất đi lượng nước cần thiết cho cháo.
Cháo bị dính nồi: Nồi cơm điện cơ không có sẵn chế độ nấu cháo nên cháo có thể dễ dàng bị dính vào nồi, làm cho việc làm sạch nồi sau khi nấu trở nên khó khăn.
Khó điều chỉnh nhiệt độ: Nồi cơm điện cơ không điều chỉnh được nhiệt độ như nồi cơm điện tử nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình nấu chín của sườn và cháo.
Nấu cháo sườn bằng nồi cơm điện không chỉ giúp thịt sườn mềm, hạt cháo chín đề, nước dùng sánh mịn mà còn là giải pháp nấu ăn tiện lợi và nhanh chóng. Qua bài viết này, SUNHOUSE hy vọng sẽ giúp bạn nắm rõ được các bước để tạo ra thành phẩm là tô cháo sườn thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho bữa ăn của gia đình.
Bạn hãy để lại bình luận dưới bài viết khi có bất kỳ thắc mắc nào để được giải đáp nhanh chóng nhé.