Phát triển kinh tế du lịch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Phát triển kinh tế du lịch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

(ĐCSVN) - Sức lan tỏa của các lễ hội truyền thống và cả những lễ hội mới hình thành trong cuộc sống đương đại đã thể hiện sự năng động, sáng tạo của các địa phương nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

ĐỊA BÀN CÓ TÀI NGUYÊN DU LỊCH PHONG PHÚ BẬC NHẤT VIỆT NAM

Việt Nam hiện có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành vùng trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố của cả nước. Trung du, miền núi phía Bắc là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số với gần 50% tổng số người dân tộc thiểu số, tương đương khoảng 7 triệu người đang cư trú, với trên 30 thành phần dân tộc thiểu số.

Người dân tộc thiểu số sinh sống ở Trung du, miền núi phía Bắc phần lớn là dân tộc Tày, Mông, Thái, Mường, Nùng, Dao. Họ cư trú tập trung đông ở các tỉnh: Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Hoà Bình, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai.

Có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, cùng bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số vừa độc đáo, vừa đa dạng, đồng bào thật thà, thân thiện, cởi mở... Trung du miền núi phía Bắc chính là địa bàn có tài nguyên du lịch phong phú bậc nhất nước ta.

Theo số liệu ước định của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có khoảng 300 làng du lịch cộng đồng, 5.000 homestay, sức chứa khoảng 100.000 khách. Hầu hết các làng du lịch, homestay ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Vì vậy, nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt, Trung du, miền núi phía Bắc hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng, do cộng đồng chủ động tham gia xây dựng sản phẩm, tự quản lý và vì lợi ích của cộng đồng. Theo một nghiên cứu của TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, thì du lịch cộng đồng góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Bằng chứng là các điểm du lịch cộng đồng tại Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xoá đói giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn bản không có du lịch. Rõ ràng phát triển du lịch cộng đồng là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là đa số đồng bào làm du lịch tự phát nên rất cần được đào tạo chuẩn hoá về kiến thức, kỹ năng cung ứng dịch vụ, thái độ giao tiếp, các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách - ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch nói.

Bên cạnh đó, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững đòi hỏi các địa phương phải phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với từng vùng, có quy hoạch và chọn lọc, hấp dẫn với từng đối tượng du khách.

Không ai khác, chính đồng bào các dân tộc thiểu số phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc bởi đây là tiềm năng để phát triển du lịch - bà Lê Thị Thanh Hoà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nói.

Phát triển kinh tế du lịch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Hiểu một cách đơn giản, đồng bào phải giữ gìn nghề thủ công truyền thống, lưu giữ kho tàng văn hoá phi vật thể như ẩm thực, nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian, tín ngưỡng dân gian, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, kiến trúc nhà ở mang sắc thái riêng của dân tộc mình.

Đồng thời, đồng bào cần nghiên cứu xây dựng các dịch vụ trải nghiệm mới như hội thi bắt cá suối, quăng chài, thả lưới bắt cá ao, tham gia dệt thổ cẩm, chế biến món ăn… để hấp dẫn du khách trải nghiệm.

MUỐN LÀM DU LỊCH CỘNG ĐỒNG PHẢI PHÁT HUY TỐT TRI THỨC VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG

Một loạt các khuyến nghị của nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã và đang từng bước được các địa phương và những người có tâm huyết khởi nghiệp từ lĩnh vực này tìm cách hiện thực hoá. Câu chuyện của chàng thanh niên người dân tộc Dao tên là Triệu Mềnh Kinh, sinh năm 1986, ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là một ví dụ.

Kinh đã từng có thời gian tham gia làm việc ở một công ty du lịch, với một vị trí trong bếp ăn vì vốn yêu thích nghề bếp. Sau đó, anh làm thêm công việc dẫn khách đi trekking (một loại hình đi bộ đường dài khám phá, leo núi ở ngoài trời và những nơi hoang dã - PV).

Thời gian làm việc cho công ty du lịch giúp Kinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, với những người có học thức, từ đó anh hiểu được khách du lịch cần gì, thích gì. Có kinh nghiệm, có sự hiểu biết nhất định đã khơi dậy trong anh ý tưởng khởi sự làm du lịch cộng đồng.

Huyện Hoàng Su Phì nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích Quốc gia từ năm 2012. Trong 6 xã thuộc vùng Di tích có xã Thông Nguyên, quê hương của Triệu Mềnh Kinh.

Vào các dịp mùa lúa chín (tháng 9, tháng 10) hàng năm hoặc mùa hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa đào, hoa mận trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, miền quê này tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước đổ về ngắm cảnh, trải nghiệm bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Nhìn thấy cơ hội, năm 2014, Triệu Mềnh Kinh quyết định quay về địa phương, quyết tâm làm du lịch ở gia đình mình trước.

Năm 2015, thôn Nậm Hồng được tổ chức Helvetas tài trợ thực hiện Dự án Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng. Có 4 hộ được hỗ trợ vốn để cải tạo, nâng cấp nhà ở, mua sắm chăn ga, gối đệm, tập huấn kỹ năng nghề, tiếp đón khách, làm du lịch cộng đồng…

Sau 3 - 4 năm, Kinh và một số thanh niên trong thôn đã được trang bị kỹ năng làm du lịch để tự tin vào năm 2017, bắt tay nhau thành lập HTX Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng.

HTX có 37 thành viên đại diện cho 37 hộ trong thôn. Toàn bộ các hộ trong thôn đều tham gia HTX, mỗi hộ có một đại diện là những thanh niên có mong muốn khởi nghiệp bằng du lịch cộng đồng. Triệu Mềnh Kinh là Giám đốc HTX.

Ngành nghề hoạt động chính của HTX là cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách thông qua các trải nghiệm như: bungalow, homestay; tour đi bộ, leo núi, trải nghiệm làng nghề tại Hoàng Su Phì…

Giám đốc Triệu Mềnh Kinh cho biết, trong mô hình liên kết của HTX có sự phân vai rất rõ ràng. HTX phụ trách tư vấn cho khách; truyền thông, quảng bá, kết nối thị trường thông qua website, fanpage… Chi phí đầu tư cho hoạt động này do 3 thành viên của HTX cũng là 3 cổ đông đóng góp. HTX đứng ra chủ trì để các hộ bàn bạc thống nhất một mức giá cả dịch vụ.

Khách du lịch trực tiếp liên hệ với chủ nhà theo thông tin trên website và trên fanpage. Các hộ tự đầu tư cơ sở vật chất đón khách ở homestay, khu nghỉ bungalow và cung cấp các dịch vụ làm sao để khách hài lòng, yêu quý rồi tự tìm đến nhà mình nhiều hơn. Một số hộ thành viên HTX cung cấp thực phẩm cho thành viên làm homestay để có thu nhập gián tiếp từ du lịch mang lại.

HTX lấy các yếu tố tri thức văn hóa truyền thống của dân tộc làm nền tảng sáng tạo và cung cấp các dịch vụ du lịch. Toàn bộ homestay được làm theo phong cách nhà ở truyền thống của người Dao. Các hộ làm du lịch duy trì việc mặc quần áo dân tộc truyền thống khi đón khách; tự lên rừng hái lá thuốc về đun, cung cấp cho khách dịch vụ được tắm mình trong các thùng gỗ lá thuốc rất tốt cho sức khoẻ.

Bên cạnh đó, HTX còn cung cấp cho du khách các trải nghiệm như: hái chè, sao chè; làm giấy gió; được xem, tham gia các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống của người Dao như: Lễ Cúng Bàn Vương, Lễ cúng cầu may, cầu mùa dịp Tết mà không tính vào chi phí nghỉ tại homestay.

Theo Triệu Mềnh Kinh, trong các yếu tố quyết định thành công của HTX thì yếu tố quyết định nhất là con người. Ở thôn Nậm Hồng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng nhau thay đổi tư duy là nhân tố giúp mọi người gạt bỏ được những ý nghĩ cá nhân để cùng hành động vì lợi ích của tập thể.

Chẳng hạn, khi nắm bắt được du khách thích ở nhà lợp mái lá truyền thống thì không chỉ các hộ làm homestay mà kể cả các hộ khác không làm dịch vụ homestay cũng chuyển sang lợp mái cọ hết. Vậy nên thôn mới có được cảnh quan đồng nhất, đẹp hút khách như hôm nay. Các thôn bản xung quanh không làm du lịch cộng đồng không có được cảnh quan độc đáo đó như Nậm Hồng.

Khi được hỏi về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, Giám đốc Triệu Mềnh Kinh hào hứng chia sẻ ý tưởng sẽ động viên các hộ trồng cây cảnh, làm đường đi lối lại để khách đi chơi đêm xung quanh thôn. Phối hợp liên kết với các cộng đồng dân tộc thiểu số khác, chẳng hạn như đồng bào dân tộc Nùng, Dao, Mông sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn Hồ Thầu cùng hợp tác phát triển du lịch cộng đồng.

Hiện nay, HTX đã vận động được 5 hộ gia đình (2 phụ nữ người Dao; 3 nam giới (1 người Nùng, 2 người Dao) trong độ tuổi thanh niên liên kết làm 10 bungalow theo cơ chế: các thành viên và HTX cùng bỏ vốn đầu tư; HTX đưa khách, thành viên tự khai thác kinh doanh; doanh thu, lợi nhuận được chia theo cổ phần.

Ngoài ra, HTX còn muốn áp dụng cơ chế trích doanh thu của các hộ làm homestay để lập quỹ tu sửa đường, xúc tiến du lịch, tiếp đón các đoàn khách liên quan đến du lịch...

Kinh cho biết, sau dịch COVID-19, khách du lịch, đặc biệt là khách Việt có nhu cầu nghỉ phòng riêng (bungalow) nhiều hơn. Họ không thích ở nhiều người nên làm giảm nhu cầu phòng nghỉ cộng đồng. Vấn đề là chi phí đầu tư bungalow khá cao, trung bình 1 bungalow cần 120 triệu đồng nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư, dù biết rằng phát triển du lịch ở đây rất tiềm năng do hội đủ các yếu tố cạnh tranh như: phong cảnh đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo, người làm du lịch có kỹ năng…

Hiện nay, những mô hình làm du lịch như ở thôn Nậm Hồng đang có cơ hội lớn khi trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Phát triển kinh tế du lịch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn thực hiện Dự án 6, trong đó có nội dung: Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gồm cả điểm du lịch đã được công nhận, điểm du lịch chưa được công nhận nhưng có tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn, có nhiều điều kiện phát triển du lịch).

Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh điểm đến du lịch hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương có điểm đến du lịch là đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ.

Nội dung hỗ trợ gồm: xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; Trang bị nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn; Thiết kế nhà vệ sinh đạt chuẩn phù hợp với địa phương; Trang bị thùng rác công cộng; Sưu tầm, phục chế, phục dựng hiện vật; Thiết kế, lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch; Hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày; Xây dựng trung tâm thông tin du lịch; Hỗ trợ phục dựng cảnh quan, làm giàu tài nguyên, đường dạo nội bộ, điện chiếu sáng, sơ đồ tour tuyến, biển hiệu các hộ gia đình có dịch vụ phục vụ khách du lịch…

SÁNG TẠO THÊM NHỮNG SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI PHÙ HỢP VỚI THỜI ĐẠI

Từ lâu, các tỉnh Yên Bái, Sơn La đã nổi tiếng với một loại quả mang tên Sơn Tra hay còn gọi là táo mèo. Sơn Tra được trồng chủ yếu trên vùng núi cao nơi mây mù bao phủ quanh năm, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.

Ông Vàng A Da - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Co Sủ dưới, xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết, 100% hộ đồng bào Mông của bản gắn bó với cây Sơn Tra. Nhà ít thì trồng nửa ha, nhà nhiều như nhà ông thì khoảng 1 ha, mỗi năm thu hoạch 5 - 6 tấn quả. Nhờ cây Sơn Tra, mỗi năm gia đình Bí thư Vàng A Da thu nhập 15 - 16 triệu đồng, gọi là có thêm đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống.

Từ một loại cây mọc hoang trong rừng hàng chục, hàng trăm năm nay, song với nguồn lợi mang lại, Sơn Tra đang được đồng bào các dân tộc khoanh nuôi, bảo vệ để trở thành cây hàng hoá, vừa bán quả, vừa kinh doanh sản phẩm du lịch mùa hoa.

Hoa Sơn Tra thường nở từ tháng Giêng đến tháng 4 hàng năm. Khắp các triền đồi, hàng nghìn ha Sơn Tra nở hoa trắng xoá trở thành cảnh sắc không thể nào quên với các tín đồ du lịch, nhất là trong bối cảnh du khách và các địa phương đều không ngừng tìm kiếm những sản phẩm du lịch mới.

Tỉnh Sơn La hiện có gần 13 nghìn ha, sản lượng trên 33 nghìn tấn, là địa phương có diện tích và sản lượng Sơn Tra lớn nhất cả nước. Thực hiện các nội dung liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc theo biên bản ghi nhớ giữa Huyện ủy các huyện: Mường La, Bắc Yên (tỉnh Sơn La) và Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), trung tuần tháng 3/2023, UBND huyện Mường La đã tổ chức Ngày hội Hoa Sơn Tra năm 2023 tại xã Ngọc Chiến - địa phương có diện tích cây Sơn Tra lớn của tỉnh.

Phát triển kinh tế du lịch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Có thể xem đây là một sản phẩm du lịch mới của hai tỉnh Sơn La, Yên Bái. Nếu như Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xây dựng được thương hiệu Du lịch Mùa vàng ruộng bậc thang rất nổi tiếng vào tháng 9, tháng 10 hàng năm thì giờ đây, với sản phẩm du lịch mới này, du khách sẽ có cơ hội biết đến một Mường La, Mù Cang Chải dịu dàng trong sắc trắng tinh khôi của hoa Sơn Tra chờ du khách mọi miền đến chiêm ngưỡng.

Không những vậy, trong quá trình lao động sản xuất, trải qua nhiều thế hệ, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đã sáng tạo ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao độc đáo như trò chơi đánh tu lu, bắn nỏ, đẩy gậy, ném pao, bịt mắt bắt dê, chọi dê, tô sáp ong trên vải…

Hiện nay, nhiều địa phương vùng Trung du, miền núi phía Bắc đã và đang xây dựng những lễ hội mới nhằm tìm cách gắn kết phát triển nông nghiệp với thúc đẩy kinh tế du lịch.

Có thể kể đến Lễ hội Hoa Đào, một trong những sự kiện văn hóa - du lịch tiêu biểu vào dịp đầu năm mới của tỉnh Lạng Sơn gắn với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị cây đào xứ Lạng; Lễ hội Hoa Ban gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Hay các Lễ hội Trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội Hoa Tam giác mạch - một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của Cao nguyên đá Đồng Văn và mới đây, lần đầu tiên, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ hội Hoa Mộc miên, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như: Thi trình diễn trang phục các dân tộc; Trình diễn thổi và múa khèn Mông; Thi địu ngô leo núi chinh phục rừng Mộc miên tại thôn Pó Pi A, xã Niêm Tòng; Thi chèo bè mảng trên sông Nhiệm; Thi trang trí thuyền du lịch tại hẻm Tu Sản…

Mỗi địa phương tìm ra một loại hoa đặc trưng riêng và đang kết nối tích cực với bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn để xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch mới, phấn đấu đưa các tỉnh vùng núi phía Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; đồng thời phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thương mại, dịch vụ, để du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào tăng trưởng kinh tế của từng địa bàn và của cả vùng.

Sức lan tỏa của các lễ hội truyền thống và cả những lễ hội mới hình thành trong cuộc sống đương đại thể hiện sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong việc cụ thể hóa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XI) về về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 nhằm đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, đồng thời giúp đồng bào các dân tộc có thể nâng cao đời sống, thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Trong quá trình đó, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các dự án, nội dung hỗ trợ trong các chương trình mục tiêu quốc gia thì vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số, các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp hình thành ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng mang tính chất quyết định.

Bởi mỗi cá nhân, tập thể này chính là những người trực tiếp thực hiện chủ trương, đường lối của cấp uỷ, chính quyền các cấp; là chủ thể trao truyền, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, sáng tạo nên những giá trị mới và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên để làm giàu thêm tài nguyên du lịch, để rồi các tài nguyên đó quay trở lại thành tài sản, tạo ra sinh kế mới, giúp đồng bào vươn lên./.

Link nội dung: https://votejenpbsd.com/phat-trien-kinh-te-du-lich-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-a12884.html